AIT – Bốn mùa Hoa Sứ nở, như bốn mùa anh đơn lẻ đợi chờ…

AIT, bốn mùa Hoa Sứ nở!

Giang Hương
.

Bangkok vẫn như xưa, vẫn những dòng người hối hả, ồn ào, nhưng bất chợt hiện hữu những khoảnh khắc bình yên đến lạ. Đan chen vào từng ngõ phố và ngoại ô, là những công trình, những tuyến đường cao tốc và tầu điện mới; cơ sở hạ tầng của Bangkok vẫn ngày một đổi thay. Khủng hoảng kinh tế những năm cuối 90s, có làm chậm một số hạng mục công trình hạ tầng, nhưng tốc độ xây dựng ở Thailand vẫn đáng trân trọng, bài bản, quy hoạch giao thông ngoai ô và liên tỉnh rất tốt và ổn định. Trong 5 năm gần đây, Chính Phủ Thailand vẫn đầu tư rất nhiều về cơ sở hạ tầng mới, như dự án 38.5 tỷ USD , trong đó 10 tỷ USD dành cho xây dựng các tuyến đường mới và đường cao tốc, và 26 tỷ USD dành cho xây dựng hệ thống đường sắt và tầu điện.

Sân bay Suvarnabhumi rộng và tiện nghi hơn Don Mueang nhiều. Việc làm thủ tục nhập cảnh rất nhanh, rồi vội vàng lên tầng Depature đón Taxi, phải mất gần một tiếng đi cao tốc mới về tới AIT, không được nhanh và thuận lợi như đi về AIT từ sân bay Don Mueang. Với những người mới sang Bangkok, thì có thể sử dụng dịch vụ Taxi của sân bay, giá 600 Baht để về tới AIT, nhưng đôi khi phải xếp hàng dài để chờ. Tốt nhất là đi lên tầng trên cùng – Departure gates, rồi bắt các Taxi vừa mới trả khách tới sân bay, việc này tiện lợi và nhanh chóng, cũng khá an toàn, không như dịch vụ Taxi chùa ở Việt Nam.

Lối về AIT – Hoa Phượng đã đỏ rực một mầu lửa cháy

Vẫn còn nhớ lần về Bangkok trước đây, lúc ấy mới có đảo chính, xe tăng chạy rầm rì,nhưng phố phường và người dân Thái vẫn bình thản như không có chuyện gì sảy ra cả. Năm nay, về bề mặt bên ngoài, cuộc sống ở đây an bình hơn. Kinh tế toàn cầu đang khủng khoảng, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu của Thailand, nhưng giá cả ở Thailand so với những năm trước đây không thay đổi bao nhiêu, giá Taxi hầu như không đổi trong 5 năm vừa qua. Tuy nhiên, anh bạn giáo viên người Thái nói, mặc dù nền kinh tế Thailand đang ổn định dần, nhưng vẫn còn rất ít cơ hội cho những chuyển biến lớn như những năm đầu 90s. Dẫu vậy, theo đánh giá điều tra của Nhật Bản, thu nhập một năm của một công nhân và nhân viên văn phòng cấp quản lý trung gian thì thu nhập ở Thailand vẫn gần gấp đôi so với thu nhập ở Việt Nam (gần 3 và 15 ngàn USD/năm).

Mùa Songkran, trời nóng và oi ả. Phải lâu lắm rồi, 5 năm rồi còn gì, cái nóng tiết Songkran và những ký ức mùa thi lại theo về. AIT vẫn tĩnh lặng và yên bình, vẫn những ngõ về, lối cũ, vẫn những tòa nhà và khu Village nép mình vào những mảng mầu xanh biếc của cây lá. Hình như ký ức của đời người luôn bảo thủ, người ta luôn có cảm giác như những ngày xưa vẫn hiện hữu ở hiện tại, rất gần, mà lại rất xa, xa mà lại gần. Bạn bè thì mỗi đứa một phương, mỗi người một khoảng trời riêng, mà kỷ niệm thì luôn ắp đầy, ở đâu cũng còn thấy bóng hình, thấy những ngày đã qua và đã xa.

.
Nơi anh ở,
AIT, bốn mùa Hoa Sứ nở
Như bốn mùa anh đơn lẻ đợi chờ
Những ước mơ nguồn cội cơ đồ
Trăng Viễn Xứ, mà lòng anh không Viễn Xứ.
.

Lần này lại được ở DOM như này xưa, được cảm nhận lại rất chân thực cuộc sống sinh viên như thời còn ở AIT. Vẫn tiếng gõ cửa dọn nhà của các Khun Thái vào những buổi sáng khi vẫn còn trong cơn ngái ngủ, vẫn những lách cách tiếng bàn phím về đêm vọng về, hay những í ới gọi nhau sớm tối.

Cảm giác đầu tiên về lại AIT thật thoải mái và gần gũi, cảm thấy như mình vừa trở về nhà, như vẫn đang theo học và làm việc ở đây. Các nhân viên Security ở cổng trường vẫn làm việc một cách chu đáo, nhã nhặn và tận tình. Người dân Thái, luôn hạnh phúc với những vị trí và những gì mà mình đang có, và họ luôn có ý thức và trách nhiệm với công việc. Dù nắng nóng, hay mưa, các nhân viên Security ở AIT hình như rất khi ít bỏ vị trí kiểm tra của mình.

Những dãi hoa vàng thướt ta như phủ liễu tơ đào, đánh thức những khoảnh khắc muộn màng của mùa Xuân còn rớt lại
..

Mặc dù r
oom ở DOM cũng chỉ trụ được từ 10 giờ tối tới sáng sớm, mùa Songkran này nóng kinh khủng, những ai ở DOM và tầng trên cùng của Village thì chỉ có cách vào Thư Viện và phòng làm việc để tránh nắng, tránh cái ngột ngạt, oi ả của mùa nóng nhất trong năm. Những ngày còn ở DOM H thì có nhiều cây và ở tầng 1 nên vẫn mát, chứ các DOM A, B, C thì nóng lắm, vậy mà nhiều người vẫn trụ ở trong phòng được, chỉ có Quạt điện, mà không có Air Conditioner. Mà cũng lạ, chính trong cái nắng nóng tột cùng thế này, người Thái lại có vẻ rất thích những sắc mầu nóng như vàng và đỏ, cũng như họ vẫn thường ăn các món cay, bữa ăn nhiều món có rất nhiều ớt. Nhiều cây hoa với sắc mầu vàng, đỏ thường được trồng trong khuôn viên và nơi công cộng. Từ hiên nhà DOM nhìn xuống ban công, vào mùa Songkran này, những dãi hoa vàng thướt ta như phủ liễu tơ đào, đánh thức những khoảnh khắc muộn màng của mùa Xuân còn rớt lại. Rồi những sắc đỏ hoa Mẫu Đơn, Hoa Giấy, hay Phượng Vĩ, cữ mãi rực cháy cả một góc trời.

Vẫn còn đó rất nhiều những gì rất đỗi thân thương, những phong cửa, ngõ về, thư viện, và cả tiếng kẽo kẹt của xe đạp. Sáng sớm thì luôn được đánh thức dậy bằng những líu lo gọi bầy từ những dàn đồng ca của chim muông. Chẳng có gì đáng yêu hơn, bình yên hơn, bằng tiếng ồn ào, náo nhiệt của tiếng chim trời buổi ban mai, hay tiếng chim gọi bầy buổi hoàng hôn khi chúng về tổ. Có lẽ chỉ có ở AIT, mới cảm nhận được những khoảnh khắc thi vị, gần gủi với thiên nhiên như thế này.

AIT hiện đang mùa làm luận văn, từ khi chuyển sang hệ 2 Semesters, không còn 3 Terms, có vẻ thi cử ở AIT không hối hả nữa. Mỗi năm bây giờ chỉ có 4 lần thi, 2 lần tốt nghiệp, so với ngày xưa là 6 lần thi, 3 lần tốt nghiệp. Ngày ấy, cứ mỗi 4 tháng, thì mọi người lại tất bật tiễn đưa nhau về, rồi lại đón người mới nhập trường, thi cử triền miên, thật vất vả, nhưng luôn ắp đầy kỷ niệm. Lại nhớ những đêm Farewell Parties, sẻ chia và hát hò tới 3, 4 giờ sáng; hay những đêm parties cuối tuần luôn luôn có Security canh chừng; rồi những ngày học Dancing hay hát Karaoke từ máy chiếu ở Korea House, những ồn ào và giản dị luôn kết nối, chỉ có thể tìm thấy ở AIT, và chỉ riêng AIT mà thôi.

Những nhành hoa còn lại
.

Những phòng cho Group Dicussion ở Thư viện vẫn luôn luôn được đăng kí và kín cửa; đôi khi sinh viên đăng ký chỉ để học nhóm và tránh cái nóng. Các bàn đọc sách của sinh viên ở thư viện, nếu đến muộn, chắc sẽ không còn chổ để làm việc. Một điều nhận thấy bây giờ, là sinh viên ai cũng có labtop, với internet được kết nối khắp nơi ở AIT, rất tiện cho việc học hành và làm luận văn. Ở đâu trong thư viện, cũng luôn luôn thấy một không khí rất bình lặng, nhưng tôn trọng và chăm chỉ của sinh viên AIT. Ở mỗi góc bàn ấy, ở mỗi phòng đọc ấy, sẽ vẫn luôn ươm những nụ mầm, những ước mơ cả về cuộc sống riêng tư và khoa học, cho hôm nay và cho mãi ngày sau.

.
Nơi anh ở,
AIT, nắng vàng nỗi nhớ
Ngõ phố lưa thưa những đóa Xuân thì
Bạn bè anh, mùa thi khép cửa
Thả buồn lên lá me chua
.

Dù đã theo học ở đủ Á và Âu Châu, cảm nhận cuộc sống du học sinh ở nhiều trường Đại Học, chưa nơi nào có thể sánh bằng cuộc sống sinh viên tại AIT. Chính sự cách biệt như một ốc đảo, sự hòa trộn đa văn hóa, hay dấu ấn sâu đậm của văn hóa Á Đông, làm cuộc sống du học sinh Việt Nam ở đây rất nhẹ nhàng, dễ làm quen và thích nghi, không thực dụng, vất vả và hối hả như ở Tây Phương. Một điều lợi thế khác nữa là cộng đồng du học sinh Việt Nam ở AIT khá lớn, luôn có khoảng hàng trăm sinh viên du học hệ sau Đại Học, đại diện của đủ ba miền Bắc-Trung-Nam, hòa trộn đủ ngành nghề, làm nên một Network tuyệt vời cho cộng đồng AIT Việt Nam (AITVN), kể cả sau khi tốt nghiệp và đi làm. Ngòai ra, việc các trường thành viên ở AIT chung có lịch học tập, nghỉ ngơi và làm việc, nên các hoạt động cộng đồng của sinh viên luôn có nhiều người tham gia. Sống trong cùng một khuôn viên, sự hiểu biết và tương trợ cũng được tốt hơn, người ta dễ có những kết nối bằng hữu và đồng nghiệp lâu dài, điều này khó có thể tìm được khi du học ở Âu Châu, nơi mà dù có nhiều sinh viên VN du học, nhưng họ khó có thể thu xếp thời gian, lịch học, để có thể tham gia hoạt động cộng đồng, hay sẻ chia cá nhân với nhau, trừ những dịp lễ lớn.

.
Giao hữu bóng đá và các cổ động viên Việt Nam ở AIT

Cuộc sống vật chất của sinh viên tại AIT có vẻ nghèo hơn so với ở Âu Châu, sinh viên hầu như không đi làm thêm, chỉ có học, giải trí và lại học. Nhưng không vì thế mà cuộc sống sinh viên ở AIT vất vả, vì giá cả sinh hoạt ở Thailand rẻ, hiện tại còn rẻ hơn so với giá cả và chi phí ở Hà Nội và Sài Gòn. Chính vì thế mà các hoạt động cộng đồng ở đây thường dễ tổ chức và được nhiều người tham gia. Hơn nữa, du hoc sinh ở AIT đã từng trãi qua thời học Đại Học, và nhiều người đã từng đi làm, vì vậy mọi người luôn ý thức được việc học, giải trí và trị giá của quãng thời gian bỏ ra của mình.

Một góc khu nhà nội trú ở AIT

Tối cuối tuần ở AIT thường luôn tĩnh lặng, đèn sáng rực tới khuy ở các DOM và khu Village. Ở AIT, cư dân thường chào nhau đi ngủ bằng câu Good Morning, và nhiều người vẫn lấy bữa trưa làm bữa sáng. Chẳng hiểu sao, dù vào mùa Songkran, nhưng lại có một trận mưa đầu mùa rất nặng hạt và kéo dài liên tục, làm cả AIT mất điện gần 3 tiếng. Máy phát điện cho khu nhà Thư Viện và trọng yếu vẫn ồn ào làm việc, nhưng không kết nối cho khu khác. Khắp nơi tiếng sinh viên Việt Nam gọi nhau í ới đi chơi, chắc họ lại sang Thammasat, đông lắm, làm khuynh đảo cả một khu. Có lẽ người Việt mình ở đâu cũng rất ồn ào, nói to và hình như ít để ý tới xung quanh. Còn nến ở khu Bà Béo luôn luôn được mọi người đạp xe tới mua. Khu quán ở gần trạm xăng thì không mở cửa, nhưng sinh viên tụ tập rất đông. Mưa đầu mùa, nên ếch nhái được cơ hội gọi nhau tâm sự, ở đâu cũng nghe tiếng ếch và côn trùng kêu. Những năm cuối 90s, ở AIT khu nhà L, M, N, S vẫn còn nhiều cây, cứ tới mùa mưa, ở trong phòng, nghe tiếng ếch và côn trùng gọi bầy mà cảm giác như là đang ở giữa cánh đồng; những lúc như vây, những ngày mới sang, nhớ nhà và nhớ mẹ, nhiều lần ứa nước mắt, rồi tự trách con trai sao mà yếu đuối thế. Lang thang khắp AIT vào những tối mất điện như thế này, sợ nhất là gặp rắn, nhưng ở trong phòng thì lại nóng, nên ai cũng đi lang thang ngòai đường, lấy điện thoại làm đèn. Còn các chú Security thì nhân cơ hội mùa mưa đi bắt côn trùng, nhất là ve sầu, cứ sau mỗi cơn mưa, thì ve sầu lại leo lên thân cây bám rất nhiều.

Các khu Shopping ở AIT có thêm một cửa hàng bán đồ ăn và uống mới, nên mọi người có vẻ tụ tập đông vui hơn ở khu gần trạm xăng, gần Cafeteria. Nhà TV thì vẫn như xưa, bàn ghế và đồ dùng không thay đổi, cả cái bảng hiệu, hình như 5 năm qua, cái room này vẫn không có chút đổi thay nào. AITian vẫn hào hứng với các trận bóng đá giải Ngoại Hạng và C1, không khí bóng đá có khi còn đậm và cuồng nhiệt hơn ở Anh Quốc. Ngồi xem bóng đá giải Ngoại Hạng ở AIT, cảm thấy như mình đang đang ở AIT với những cảm xúc rất đỗi thân quen ngày xưa vọng về.

.
Nơi cuối tuần và sáng sớm có rất nhiều sinh viên và staff Việt Nam tụ họp

Còn các khu shopping khác ở AIT vẫn là những chủ cũ. Nhà Cottage vẫn bán đồ ăn uống Thái, do Khun Sue làm chủ. Có lẽ sinh viên Việt Nam luôn sở hữu một vài bàn ở ngòai Cottage vào cuối tuần. Nếu nhắm mắt lại một chút, không để ý tới những khuôn mặt mới, thì AITVN muôn mầu, vẫn là AITVN, vẫn những câu chuyện Đông Tây Kim Cổ, vẫn những âm giọng Bắc-Trung-Nam, ồn ào, chân thật, và sẻ chia bên bàn tiệc. Với Cottage, cho dù AIT có thay đổi bao nhiêu về quản lý, về phương thức hoạt động, thì có lẽ nơi đây vẫn là một trong những nơi tụ tập nhiều nhất của bao thế hệ AITVN, để rồi từ đây, những Đi và Ở, những cuộc Hội Ngộ lại tiếp tục, kết nối đủ bốn phương trời. Ngoài Cottage, phải kể tới khu ăn sáng gần Book Store và Bể Bơi, nếu ai chưa một lần tới AIT, thì có thể tìm thấy người Việt Nam ở khu này vào những buổi sáng, đặc biệt là ở cuối tuần. Ngoài ra, AIT mới có một quán bán Cafe và đồ uống cao cấp ở ngay sát Ngân Hàng, rất tiện lợi cho gặp bạn bè, vì nơi đây được trang bị máy điều hòa, thiết kế như các quán cao cấp ở Future Park. AIT bắt đầu đa dạng hóa dịch vụ cho đời sống sinh viên và nhân viên, nhưng có lẽ vẫn còn ít lắm, và chậm trễ, hoặc không được phong phú; nhưng cái được ở đây, đó là AIT đã dám thực thi những ý tưởng đổi mới, dẫu vẫn chỉ là cục bộ và sức ỳ hệ thống vẫn còn đó.

Mùa Songkran ở Thailand, trong khi những cây Phượng vĩ ngòai Bắc Việt Nam đang còn mới xanh lá, thì ở AIT hoa Phượng đã nở đỏ rực một mầu. Đây cũng là một trong những mùa tốt nghiệp của AIT, sắc hoa càng làm cho luyến lưu của những ngày Tốt Nghiệp ấn tượng và sâu nặng hơn.

Nhìn lại những ảnh chụp cho bạn bè, thấy mênh mang những kỷ niệm, những vui và buồn, rồi những tiếc nuối, âu lo, hay háo hức cho những dự định mới.

Phượng Vĩ ở AIT nhìn chung chẳng khác gì ở Việt Nam, vẫn đỏ một mầu lửa cháy, như nhiệt huyết của một thời sôi động. Nhưng có vẻ thời tiết ở AIT và do lai tạo, hoa Phượng ở AIT nở từ đầu tháng Tư, nhưng có thể tìm thấy một vài cây
ơm hoa vào cuối Hạ, đầu mùa Thu. Ngoài ra, còn một số cây Phượng có sắc hoa khá đặc biệt, mầu vàng đỏ, hay phớt hồng.

Chỉ còn thiếu tiếng ve kêu Hạ về, nhưng sắc đỏ của Phượng vẫn luôn làm cho lữ khách mênh mang về một bến bờ hòai niệm. Nhìn những sắc đỏ của hoa Phượng, cảm thấy có một chút gì đó bâng khuâng, luyến lưu. Mùa Phượng Vĩ ở Việt Nam là mùa chia tay, mùa của những ước mơ mới, mùa của những hoài vọng và ly biệt của một thời học đường. Đã lâu lắm rồi mới được cầm những cánh hoa Phượng. Ngày còn ở AIT, phải loay hoay mãi mới tìm được một cành Phượng vĩ, rồi cắm vào cái trai nước để chụp. Hoa Phượng nhìn rất đẹp ở trên cây, nhưng khi hái xuống, lại rất nhanh héo, đặc biệt là vào những hôm nắng nóng, không có mưa; nên phải mất mấy hôm, mới chụp được một vài bức ảnh ưng ý.

Hoa Phượng đỏ rực một mầu ở khu gần Thư Viện

Chợt thấy mênh mang mãi những xúc cảm những ngày tốt nghiệp Đại Học, khi bước qua một chặng đường dài, đạt được một chút gì đó, người ta luôn hòa trộn những xúc cảm buồn vui lẫn lộn, những cũ và mới đan chen cùng những suy tư về hành trình phía trước. Nhưng dù có vật chuyển sao dời, chắc chắn, thời sinh viên, sẽ luôn mãi một mầu xanh, mãi mãi là mầm nụ, làm tươi mới những âu lo, những thách thức và trở ngại của đời người.

.
Những nụ mầm tươi mãi tuổi xanh
Từng trang thơ lụa ngủ trên cành
Đấy mảng tình xanh trong mắt biết
Mấy chùm ly biệt khẽ long lanh
.

Thời gian vẫn cứ nhè nhẹ trôi đi, thoảng một chút, mà đã hơn 5 năm xa AIT rồi. Dạo một vòng khắp AIT, vẫn luôn thấy như mình đang ở đây vậy. Mái tóc thầy đã bạc trắng hơn nhiều, vẫn còn đó những chân tình, những sẻ chia về cuộc sống, về những nghiên cứu khoa học mới và cũ. Biết bao nhiêu những tình người, biết bao nhiêu những ấp ủ từ đây, biết bao nhiêu những đam mê và hy sinh, đôi khi phải đánh đổi bằng những lựa chọn riêng tư, những giọt mồ hôi mặn chát và cả nước mắt.

Vẫn y nguyên những kỷ niệm và hình ảnh, nhưng AIT về cơ cấu, tổ chức và bản chất có thể đã và đang khác xưa nhiều lắm. Hay có lẽ cái nhìn của mình và quan niệm đã đổi thay? Một thời AIT hùng mạnh đã qua đi, thách thức hiện tại và sắp tới rất nhiều, nhưng chính những đổi thay đó, sẽ là nền tảng cho những chuyển biến có bước ngoặc lớn cho sự thành công của AIT. Chỉ có sự thay đổi, biết chọn lựa thời cơ, biết mình là ai, với những dấn thân và cống hiến, mới làm cho con người và loài người vận động và đi lên. Mặc dù, người ta muốn níu kéo thời gian lại, muốn giữ lại những gì của mình, nhất là những huy hoàng của một thời đã qua, dù cho con tạo xoay vần như thế nào đi chăng nữa. Nhưng cuộc sống đâu có dễ chiều lòng người, nước vẫn cứ chảy qua cầu, xã hội luôn chuyển biến, con người luôn phải thích ứng với những hoàn cảnh và môi trường mới. Duy chỉ có một điều người ta nên không nên thay đổi, nếu có, thì cố gắng đổi thay theo hướng tích cực, và luôn phải trân trọng và gìn giữ, đó là tình cảm, là sự chân thành, là cái tôi, cái tâm của một đời người.

Ở giữa hai thái cực, mới và cũ, được và mất, thất bại và thành công, người ta thường mới thức tỉnh. Nhưng giữa hai thái cực này, là một quãng chuyển đổi, dài hay ngắn, nhanh hay chậm, là do bản chất của sự việc. AIT đang đổi thay, nhưng có lẽ vẫn rất chậm, mà xã hội cũng như nhận thức đang đổi biến từng ngày. Nếu không có sự linh hoạt, mềm dẻo và thích nghi cao độ, AIT dễ đánh mất hình ảnh và lợi thế trong một tương lai rất gần, mà ở đó, đã từng bao nhiêu năm gây dựng.

Cổng vào AITCC – Trung tâm hội nghị và khách sạn ở AIT

Nhưng dù AIT có chuyển biến gì đi nữa, thì món Tomzam ở AITCC có lẽ sẽ không bao giờ đổi thay. Đã từng đi ăn nhiều nơi ở Thailand, từ các nhà hàng sang trọng, tới các quán ăn bình dân, nhưng món Tomzam ở AITCC vẫn có một nét gì đó rất tuyệt, rất riêng, rất AIT và đặc biệt là không cay lắm, và có sự hài hòa đồng điệu giữa ba vị chua, cay và ngọt, như những khoảnh khắc đam mê của một thời sách vở, một phần của một đời người. Thầy nói, Khách đến AIT thì được mời ngồi đối diện với mặt hồ. Vừa ăn uống, vừa cảm nhận không gian AIT, với những mầu xanh, đan chen cùng những mầu vàng và đỏ của sắc hoa, thấy AIT bình yên và thư thái vô cùng. AIT vẫn luôn trường tồn, vẫn luôn đẹp và nổi tiếng về môi trường cũng như kiến trúc hòa trộn với thiên nhiên của mình. Những lúc như thế này, lại cứ thầm ước AIT hãy cứ mãi là như vậy, muốn
kéo thời gian ngắn lại, muốn cuộc sống đừng trôi đi nhanh. Hình như mình hơi ích kỷ, nhưng con người là vậy mà, vẫn luôn mơ về một ngày xưa, luôn hoài niệm về một thời xa vắng, về những không những có, vẫn luôn mơ “cho tôi lại ngày nào…trăng lên bằng ngọn cau”; và dù là ai đi chăng nữa, dù trãi nghiệm nhiều biết bao nhiêu đi nữa, thì người ta vẫn luôn luôn ước muốn “cho đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau….” (Phạm Duy).

AIT, April 2008.

11 Comments »

  1. 1
    Tra N Says:

    Đọc bài này của anh Hiếu thấy nhớ AIT 1 cách ngoay ngoắt. Cũng 5 năm rồi, em chưa về lại AIT, nhớ quá nhớ quá! Vẫn còn nhớ anh Hiếu chụp 1 serie ảnh hoa đào nở với các chị em. Ảnh hoa phượng đẹp quá anh Hiếu ạ, cảm ơn anh nhé!

  2. 2
    Phoebe Says:

    Thanks for your sharing. Tuần vừa rồi em cũng có ghé lại AIT, chỉ được vài tiếng đi loanh quoanh thôi nhưng cũng bồi hồi nhiều kỉ niệm. Nhớ và iêu lắm AIT:-)

  3. 3
    Princess Says:

    Cảm xúc nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc. Bài này hay lắm anh ạ…

  4. 4

    Anh Hiếu làm em nhớ AIT nhiều quá. Đã 5 năm trôi qua kể từ ngày tốt nghiệp mà sao AIT vẫn in đậm trong trí nhớ. Bạn bè ở Nhật gặp nhau ai cũng kể chuyện AIT . Sang Mỹ chẳng gặp AIT alumni nào cả để chia sẻ. Đúng là cái thời ở AIT nghèo thật nhưng cuộc sống thật vui và học hành say mê. Cám ơn anh đã viết một bài thật hay.

  5. 5
    Anh Says:

    So touched…
    Anh về gặp lại mọi người chắc vui lắm…

  6. 6
    Man Says:

    Một dĩ vãng.
    Năm ngoái có dịp về AIT. Đến sân bay gặp tụi Taxi Thái chèo kéo: ấn tượng đầu tiên, người Thái bớt thật thà. Dịp Tết nguyên đán AIT vắng vẻ. May còn gặp lại được anh Tâm, anh Mạnh. Cảm nhận sau khi rời AIT: mọi thứ ở AIT đang trên đà xuống dốc. Hy vọng cản nghĩ của mình sai. Vì trong tâm tư, tình cảm đối với AIT vẫn còn nhiều lắm.

  7. Hello Mẫn. Con người ở đâu cũng như nhau thôi, kể cả Á và Âu. Anh thấy, số tài xế chèo kéo ở Thailand so với VN thì vẫn ít lắm, và anh cũng chưa có gặp bao giờ, có lẽ nhân viên của Hãng Taxi sân bay mặc cả với em, chứ tài xế mặc cả ở Thailand rất ít, trừ khi em đi ra Sân Bay từ AIT, hay mặc cả giá ở Bangkok cho những chuyến đi có yêu cầu riêng, không dùng đồng hồ tính tiền. Anh ở AIT 4 năm, việc đi lại thì anh chỉ đi taxi thôi, chỉ một vài lần trong là đi Bus hay sky trains, một phần cũng là vì ngày ấy hay say xe. Năm nào về VN, anh cũng ghé qua Thailand, thấy taxi ở Thailand rẻ hơn ở Việt Nam, không có mua đường, và họ cũng thân thiện.

    Năm ngoái về VN, Taxi VN còn lấy cắp đồ của anh nữa, may mà còn xin lại được cái hộ chiếu. Về con người và văn hóa, nhìn chung thì người Thailand, nhất là dân nông thôn, với 80% theo Phật Giáo, thì ai cũng có nhận định là họ vẫn hiền lành lắm, đặc biệt là so với người Việt Nam mình.

    Về việc đi taxi, thì từ ngày chưa có sân bay mới, ai cũng phải lên tầng Departure để bắt taxi trả khách thì mới đi taxi theo dịch vụ trả tiền theo đồng hồ. Còn lại, nếu đi taxi của sân bay, hoặc công ty taxi kinh doanh tại sân bay, giá cả taxi được nhân viên công ty taxi đinh giá và mặc cả trước với người đi taxi. Cái này thì từ trước tới nay vẫn như thế thôi, không có thay đổi.

    Việc chèo kéo ở sân bay Thailand mới, anh nghĩ là không có nữa đâu. Vì bây giờ, ở sân bay mới, tất cả mọi người muốn bắt taxi độc lập (không liên quan tới hãng taxi kinh doanh ở sân bay) tại cửa Arrival, thì đều phải xếp hàng và taxi lấy khách phải thông qua công ty quản lý taxi của sân bay. Người của công ty sẽ định giá vé đi taxi, nếu người đi đồng ý, họ đưa tờ giấy báo giá cho mình, sau đó có người đưa mình ra chổ taxi, hoặc tài xế taxi tới dẫn mình đi, còn tài xế không đựa tùy tiện định giá (cái này khác với ở Việt Nam). Ngoài ra Sân bay mới còn có dịch vụ taxi sân bay, cũng như ngày xưa, họ ngồi ngay ở cổng Arrival, anh thấy có khoảng vài công ty taxi kinh doanh ở cổng Arrival, họ lấy giá đắt hơn là chắc chắn rồi. Tuy nhiên, với cách làm này, sẽ tránh được tính lộn xộn, tranh dành khách của tài xế như ở Việt Nam, và một phần cũng bảo vệ được khách hàng. Mọi Taxi lấy khách theo cách này, đều phải xếp hàng lần lượt, và lấy khách theo chỉ định của nhân viên sân bay.

    Vì vậy, nếu người đi xe taxi muốn chủ động hơn, và không muốn thông qua giá vé của công ty quản lý sân bay và hãng taxi kinh doanh tại sân bay, họ chỉ có cách đi ra ngoài, hoặc lên tầng Departure để đón taxi mới trả khách. Những người có kinh nghiệm thì luôn làm như vậy; ngày trước ở sân bay Don Muong, mọi người vẫn đi theo cách này, tức là phải đi qua cầu vượt, sang tuyến đường bên kia để bắt taxi về AIT.

    AIT vẫn còn đông sinh viên Việt Nam lắm, số lượng không giảm nhiều, nhưng vẫn còn đông hơn thời AIT những năm 97-99, luôn có khoảng 150 tới 200 sinh viên Việt Nam du học tại AIT. Tất nhiên tình cảm với trường thì ai cũng như nhau thôi, nó là một phần, một quãng đời của mình mà.

    AIT sau một thời gian sóng gió, cũng đã tồn tại và tìm ra hướng đi của mình, vẫn còn rất chậm và có sức ỳ lớn. Sau những thách thức và khó khăn lớn như vây, tồn tại và tự vận động được, là cả một kỳ tích rồi.

    Cảm ơn Mẫn, Hằng, Trà, Thủy, Anh đã comments. Nếu mọi người có thời gian ghé qua Bangkok, nên back về AIT một chút, dù chỉ là một chút thôi, chắc chắn, mọi người sẽ tìm thấy một cái gì đó rất riêng, rất AIT. Sẽ tìm thấy môt chút xíu nhỏ nhoi, nhưng rất quý, giữa bộn bề của cuộc sống, sẽ tìm thấy một thời sách vở của mình…Và rồi lại chắc chiu, bắt đầu một ngày mới, một hành trình mới, mới những thử thách và niềm vui mới…

  8. 8

    Nơi đâu cũng vậy anh nhỉ…Em chưa có dịp ra nước ngoài nhưng chắc sẽ ko lâu nữa, đi du lịch sang Thái, Singapo chẳng hặn…

    Bốn mùa
    Bốn mùa mắt vẫn xanh
    Bốn mùa em với anh…

    Nhìn hoa phượng đỏ lại nhớ đến câu thơ rất hay…(Mùa hè năm nay em bận quá nên không nhìn thấy hoa Phượng nữa, không nghe thấy tiếng ve)

    Hoa phượng đỏ như cái mầu phải đỏ…

  9. xe bmw tại việt nam

    AIT – Bốn mùa Hoa Sứ nở, nhÆ° bốn mùa anh đơn lẻ đợi chờ… | LE CHI HIEU\’S BLOG

  10. gia xe mercedes gl350

    AIT – Bốn mùa Hoa Sứ nở, nhÆ° bốn mùa anh đơn lẻ đợi chờ… | LE CHI HIEU\’S BLOG

  11. 11

    xe audi r8 lms

    AIT – Bốn mùa Hoa Sứ nở, nhÆ° bốn mùa anh đơn lẻ đợi chờ… | LE CHI HIEU\’S BLOG


RSS Feed for this entry

Gửi phản hồi cho VietSpirit Hủy trả lời